Đây là bài dịch của một thành viên VnPhoto.net. Mình chỉ sưu tầm và post lại.
Gốc: http://vnphoto.net/forums/showthread.php?t=16197
————————————————
Dưới đây là suy nghĩ về sự khác biệt giữa Canon và Nikon, về những cuộc cãi vã của cộng đồng ủng hộ và sự vô ích của bản thân những cuộc cãi vã ấy. Tôi không định châm ngòi thêm đợt cãi vã mới, bài viết này không phải “flamebai”, chỉ là mong muốn ghi xuống điều mình nghĩ, cái nhìn của một người sử dụng, người muốn chụp những bức ảnh mà không ràng buộc bởi những trò xiếc marketing.
Trước hết tôi muốn trao đổi vài điều với bạn, người đọc. Đây là blog của tôi, với ý kiến của tôi, và chỉ là ý kiến. Ý kiến này không là học thuyết buộc ai phải tuân theo. Và có thể giống như bạn, tôi cũng chỉ là người bình thường hẹp hòi nên những điều tôi viết dưới đây không chính xác hoàn toàn (hoặc hoàn toàn không chính xác). Nếu có vấn đề gì với nội dung bài viết, bạn không nên giữ lại với bản thân, bạn hãy viết vào comment điều bạn nghĩ. Như thế vấn đề rất cũ kĩ này rất có thể sẽ có thêm một cái nhìn nữa. Thêm một điều lưu ý: không chỉ trên các forum tiếng Hung, tôi cũng đã đọc nhiều ý kiến từ các forum tiếng Anh nữa, ý kiến của tôi bị trung hòa đi, còn nhiều ví dụ có thểkhông đúng với những điều tôi viết. Cuộc sống là vậy.
Rồi, chúng ta đã có tí „tương tác” ở trên, giờ có thể đi vào vấn đề. Theo tôi, so sánh Canon và Nikon thì cũng như chuyện hỏi táo hay lê ngon hơn. Ừ, tuyệt đấy, vậy sao tôi vẫn định làm cuộc so sánh này? Suy nghĩ này không phải là một sự so sánh, mà là ý kiến hình thành khi quan sát những sự khác biệt giữa hai nhãn hiệu. Vấn đề khởi đầu chính có lẽ câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra: Ai tốt hơn? Ý kiến của tôi: Không có tốt hơn, nhưng bài viết này có lẽ lại giúp bạn quyết định, với bạn ai tốt hơn. Con người đa dạng, phong cách chụp ảnh, nhu cầu, đòi hỏi cũng đa dạng, chỉ có bạn duy nhất có khả năng quyết định, hệ thống nào là phù hợp hơn. Quyết định này sở dĩ quan trọng vì chẳng hệ thống nào rẻ tiền, hơn nữa không „gắn” được lẫn lộn, vì vậy chuyện chuyển đổi hệ thống quả không đơn giản. Thế nhưng nếu chỉ đợi có người quyết định thay bạn: Mua hệ thống nào? thì chẳng khác gì người 25 tuổi đi nhờ bà mẹ buộc hộ dây giầy. Ý kiến gút lại sẽ không thoải mái, sẽ gây hoang mang, và sẽ không làm bạn hạnh phúc thêm.
Hai công ty thoáng qua thì rất giống nhau, cả hai đều sản xuất máy ảnh, nhưng con đường tiếp cận đến vấn đề, về cơ bản lại tách nhau. Cả hai đều sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng khác. Nikon và Canon cũng sản xuất những máy „stepper”, những công cụ quan trọng nhất cho việc sản xuất mạch tích điện, nhờ nó mà mọi người có thể chụp ảnh lên những mặt chip (sensor???). Những công cụ này hỗ trợ cách lấy ảnh chính xác vài chục nanometer, với độ nét tuyệt đối, và tôi nghĩ rằng giá của những thiết bị đấy, không phải là điều gì bí mật, rất đắt! Đối với cả hai công ty, sản xuất máy ảnh chỉ là phần doanh thu rất nhỏ so với việc sản xuất nhiều nhiều thiết bị khác. Nikonsản xuất cả ống kính hiển vi, ống nhòm và nhiều thiết bị quang học công nghiệp khác. Còn hơn thế nữa, Canon sản xuất cả máy quay video, máy in, máy photocopy, máy scanner và sẽ là một danh sách dài nếu muốn kể thêm ra. Canon so với Nikon là một công ty lớn hơn rất nhiều, với „hậu trường” và thói quen khác.
Triết lý của cả hai: Nikon vì không có „hậu trường” cỡ như của Canon, nên chọn con đường tập trung vào những nghiên cứu, phát triển công nghệ mới. Canon tận dụng „hậu trường” hùng hậu, chọn hướng nghiên cứu thiên về lợi nhuận, phù hợp tác động của thị trường. Từ nhận xét này, vai trò „tiên phong” của Nikon có vẻ „romantic” hơn, còn Canon là việc chọn con đường chắc chắn. Canon phát triển bằng cách nâng cao lên các thông số kỹ thuật, chứ không phải là thay đổi bản chất các thông số đó. Ví dụ, trong khi Nikon phát triển công nghệ cảm biến mới thì Canon sẽ hài lòng với công nghệ đã thành công, và chỉ cần tăng thêm vài thông số về độ phân giải hay tốc độ. Giữa hai con đường tiếp cận, ta thấy điều gì tốt đẹp? Nikon liên tục áp dụng những công nghệ mới, cải tiến mới biến „cái không thể thành có thể”. Cải tiến của Canon thì đảm bảo cho ra những sản phẩm phù hợp những tính toán thị trường.Con đường đầu tiên nghe có vẻ là vấn đề có ý nghĩa rất lớn, con đường sau thì quả buồn tẻ. Nhưng cái buồn tẻ có thể sẽ tốt trong trường hợp khi chúng ta đầu tư nhiều tiền vào thiết bị và không muốn bị „bất ngờ” theo hướng tiêu cực. Cũng với công nghệ đã quen thuộc, đã hài lòng, chỉ cần nhanh hơn tí, to hơn tí.
Nói vậy đừng hiểu là sản phẩm của Nikon không có độ tin cậy cần thiết. Trong chụp ảnh kỹ thuật số, một công nghệ mới sẽ có tác dụng khác, qua cách sự dụng của người dùng. Nhiều trường hợp phải làm quen, hiểu cách thức hoạt động của một công nghệ nào đó (ví dụ CCD, hay CMOS) từ những hoàn cảnh nhất định để hiểu biết những hạn chế, thiếu sót, tận dụng điểm mạnh… Những kinh nghiệm đấy không thể dùng tiền để mua, mà bản thân bạn chỉ có thể tự rút ra trong quá trình sử dụng liên tục. Trường hợp Canon, họ chỉ áp dụng công nghệ CMOS, công nghệ đã đạt thành công nhiều năm, trong các nhà máy sản xuất sensor của mình. Những bức ảnh chụp bằng Canon dễ nhận thấy bởi một số đặc điểm quen thuộc. Nikon sử dụng rất nhiều công nghệ khi sản xuất máy ảnh: CCD, CMOS, JFETLBCAST… mỗi loại đều có đặc trưng riêng, hạn chế, chức năng riêng. Nếu nhìn vào việc sản xuất bộ cảm ứng, có thể thấy rằng Canon có nhà máy sản xuất riêng, và Nikon thì chỉ sản xuất chip. Với Canon là ưu thế về giá cả, còn Nikon thì có sự tự do hơn. Canon làm mọi việc để việc sản xuất chỉ xảy ra trong nhà máy riêng của mình, như vậy họ sẽ dễ dàng quản lý, gây ảnh hưởng thay đổi thông số sản xuất và như vậy thì sự thống nhất hệ thống sẽ tốt hơn. Nikon thì tìm kiếm công nghệ chất lượng nhất, không bị ràng buộc bởi sự đầu tư của bản thân, và sự tìm tòi này bộc lộ rõ ràng trên những sản phẩm của nó.
Trên những sản phẩm thực sự ra đời, cầm tận tay, cũng có sự khác biệt lớn giữa hai công ty. Với tôi dường như vấn đề của phòng marketing Nikon là bán những gì mà đội ngũ kỹ sư phát triển ra, còn ở bên Canon thì vấn đề của các kỹ sư lại là phát triển những gì mà phòng marketing nói với họ. Canon lắng nghe nhu cầu người sử dụng tốt hơn, còn Nikon cố gắng nghiên cứu những cái nhất, nhưng chưa chắc là cái mà người sử dụng mong muốn. Một ví dụ tốt là sự ra đời của 300D và D70: Canon đã biết rằng sẽ làm được chiếc DSRL, sẽ bán được với giá cả và khả năng sử dụng của nó, và họ đưa ra thị trường chiếc 300D. Với bước đi này, họ đã gắn cho mình là người đưa ra thị trường chiếc máy ảnh DSRL nghiệp dư đầu tiên. Rất nhiều người mua nó và dĩ nhiên sau đó họ sẽ bỏ thêm tiền vào hệ thống Canon. Điều này kiếm cho công ty nhiều tiền dù so với D70, chức năng của 300D dường như bị giản lược đi. 300D là chiếc máy ảnh thị trường đầu tiên, còn cái tên D70 đơn giản chỉ là 1 chiếc máy ảnh DSRL. Điều này quan trọng vì D70, nếu nhìn về hiệu suất sẽ thấy nhiều công sức của các kỹ sư thiết kế hơn, nhưng 300D lại thu hút thêm nhiều người tham gia cộng đồng Canon. Sau đó, những người khi đã không còn bằng lòng với những hạn chế của 300D, nghĩ tới bước tiến tiếp và họ mua 20D. Nikon luôn luôn chỉ suy nghĩ trên một chiếc máy ảnh nhất định, và họ tìm cách nhồi vào nó những cái nhất, với ảnh hưởng ít nhất của những chuyên gia marketing. Trong khi đó Canon đưa ra chiếc máy, theo những tính toán của phòng marketing, phù hợp với cả hệ thống, nhưng không chắc chắn là các kỹ sư sẽ nhồi tất cả vào, để đừng xảy ra chuyện sản phẩm mới sẽ chiếm ngay thị phần của những sản phẩm cấp cao hơn trong nấc thang hệ thống. Điều này có 1 bằng chứng bằng sự giới thiệu công nghệ Live-view trong những chiếc máy ảnh đỉnh nhất hồi tháng 8 vừa rồi. Canon đã làm Live-view hệt như trong những chiếc máy của các hãng cạnh tranh, để đừng ai nói rằng máy của họ không có, trong khi các kỹ sư của Nikon không chỉ bằng lòng ở bước đấy, họ còn cố phát triển thêm khả năng sử dụng autofocus song song với chức năng này. Ý tưởng này về sau có sao chép, với Canon không là việc tốn tiền, chỉ thấy rằng trong khi Canon thỏa mãn được mong chờ tối thiểu của người sử dụng, Nikon thì lại thấy ở điều này một khả năng nghiên cứu công nghệ mới.
Đối với người chuyên nghiệp sống vì chụp ảnh thì Canon đang ở vị trí rất tốt vì Canon biết lắng nghe. Phóng viên thể thao cần ống tele với hệ thống chống rung? OK, có ngay. Cần máy full-frame cho người chụp phong cảnh, độ phân giải lớn nhưng không quá nặng? Ok, có ngay. Khi mà con người ta làm việc để ra tiền thì không thể chỉ vì ý thích bản thân để quyết định nên đầu tư vào hệ thống nào. Rất nhiều người đã chuyển từ Nikon sang Canon chính vì vậy, bởi vì họ cảm giác Nikon không nghe theo tiếng nói của họ. Tuy nhiên lý do để Nikon vẫn còn giữ được các nhiếp ảnh gia là sự tồn tại những công nghệ tiên tiến hơn nhiều trong những chiếc máy ảnh Nikon. Tôi không nói Canon lạc hậu, hay không đổi mới nhưng rõ ràng ở Nikon vấn đề luôn mới hơn.
Chủ trương công nghệ của Nikon tổng thể hơn, sáng tạo hơn khi đối diện với những khả năng phát triển. … *(Đoạn này về đo sáng, em cũng ko hiểu rõ, sẽ dịch bổ sung sau) *
Cả hai hệ thống đều giúp cho ra những bức ảnh tốt, nếu không những người chuyên nghiệp đã không sử dụng chúng. Phần phụ kiện, dịch vụ đi kèm của cả hai đều chuyên nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân máy ảnh các hãng khác không thông dụng bằng 2 hệ thống này, không chỉ nói về máy film 35mm. Sự lựa chọn giữa hai hệ thống có thể vẫn chưa phải dễ dàng, nhưng tôi tin là sự khác biệt đã dần dần được đánh dấu rõ ràng. Sở dĩ Nikon được ưa chuộng vì thái độ tận tâm hơn với sản phẩm, sử dụng dễ dàng hơn, nhưng không bán được tốt vì không lắng nghe người sử dụng. Sở dĩ Canon được ưa chuộng vì họ lắng nghe người chụp ảnh, không cầm giữ những sự bất ngờ nhưng gây thất vọng. Tuy nhiên sản phẩm của họ là sản phẩm đại trà, không có được cái “fair” đã hình thành của Nikon, nhiều khi họ buộc người sử dụng thực hiện những thao tác mà trong trường hợp Nikon, máy ảnh sẽ làm thay hết.
Thực ra mọi người đều có khả năng quyết định hệ thống nào “đi vào lòng người” hơn. Nhìn vào tình hình tới đây, có lẽ Nikon đang đem lại thêm nhiều hi vọng với chiếc máy D3 và công nghệ vừa được giới thiệu, thế nhưng chỉ khi nào những ưu điểm có tính khoảng khắc đó thực sự được sử dụng và không bị Canon đuổi kịp. Ai muốn sự ổn định, họ chọn Canon. Hệ thống Nikon dĩ nhiên cần 1 máy tương đương như Canon 5D nữa, vì còn một khoảng trống rộng lớn trong chuỗi sản phẩm của Nikon và nhiều người mong rằng sẽ có 1 chiếc máy Nikon đuổi kịp Canon 1Ds Mk.III về độ phân giải. Canon bên cạnh những vấn đề đã đáp ứng nguyện vọng, hơi nhàm chán thì tốt hơn nên suy nghĩ giảm đi khoảng cách về nghiên cứu phát triển với Nikon, vì họ sẽ đứng trước mối nguy hiểm khi Nikon sau một phát triển mới nào đó chẳng may lại thành công đưa sản phẩm tới người sử dụng và lại còn hoàn toàn thỏa mãn mong ước của họ. Theo tôi, người sử dụng, giờ là thời gian rất tốt, nhiều điều hấp dẫn đang chờ đón từ lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, và dường như (Nikon) đang bước ra khỏi thời điểm lúng túng, trở nên trưởng thành ngay cả trong mắt những người đến giờ vẫn còn nghi ngại.
Về cuộc tranh cãi Canon vs. Nikon thì đơn giản cả hai cộng động thường nói chệch nhau, và những vấn đề gây ra tranh cãi thường chẳng liên quan gì đến nhau, và thường bắt đầu bởi những người dù 1 chút cũng chẳng liên quan gì đến vấn đề cần tranh cãi. Đáng tiếc, khi ai đó cần một lời khuyên, thường sẽ lại đâm đầu vào một vụ tranh cãi tương tự và chẳng tiến thêm được bước nào cho câu trả lời thỏa đáng. Có lẽ bài viết này đã đưa thêm 1 chút thông tin thoáng hơn về một sự khác biệt căn bản giữa hai nhà sản xuất, và tôi hi vọng bỏ qua sự dài dòng thì bạn vẫn rút ra được một điều gì đấy.